I. GIỚI THIỆU CHUNG
1.Bột yến mạch/keo yến mạch là gì?
Bột yến mạch đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ như một chất làm dịu để giảm ngứa và kích ứng, liên quan đến các bệnh da liễu khác nhau. Vào năm 1945, bột yến mạch dạng keo đã được đưa vào sử dụng, được sản xuất bằng cách nghiền nhuyễn yến mạch và đun sôi để chiết xuất ra dạng keo, đã có mặt trên thị trường. Ngày nay, bột keo yến mạch có sẵn ở nhiều chế phẩm khác nhau từ sữa tắm đến dầu gội, gel cạo râu và kem dưỡng ẩm. Hiện nay, việc sử dụng bột keo yến mạch làm chất bảo vệ da được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) ban hành vào tháng 6 năm 2003.
Nhiều đặc tính lâm sàng của bột yến mạch dạng keo bắt nguồn từ tính đa hình hóa học (polymorphism) của nó. Hàm lượng cao tinh bột và β-glucan giúp Yến mạch có chức năng bảo vệ và giữ nước cho da
Bên cạnh đó, sự hiện diện của các loại phenol khác nhau mang lại hoạt động chống oxy hóa và chống viêm cho yến mạch. Một số phenol trong yến mạch cũng là chất hấp thụ tia cực tím mạnh. Hoạt động làm sạch của yến mạch thì chủ yếu là do saponin. Nhiều đặc tính chức năng của nó làm cho keo yến mạch trở thành chất tẩy rửa, chất dưỡng ẩm, chất đệm, cũng như chất chống viêm làm dịu và bảo vệ da hiệu quả.
Hình 1.1 Bột yến mạch (trái) và keo yến mạch (phải).
2. Đặc tính yến mạch
2.1 Thành phần chính
Bột yến mạch dạng keo có nguồn gốc từ hạt yến mạch đã tách vỏ. The United States Pharmacopeia định nghĩa bột yến mạch dạng keo là bột thu được từ quá trình nghiền và chế biến yến mạch nguyên hạt. Tỷ lệ chất béo không được nhỏ hơn 0,2%. Hơn nữa bột yến mạch tiêu chuẩn còn quy định về kích thước hạt, không quá 3% tổng số hạt trong bột vượt quá 150 micromet và không quá 20% có kích thước vượt quá 75 micromet (để tránh gây bít tắc cơ học trong quá trình sử dụng trên da)
Bột yến mạch sở hữu các loại phenol khác nhau giúp chống oxy hóa và chống viêm. Avenanthramides là các hợp chất phenol có trong yến mạch ở khoảng 300 ppm và thể hiện hoạt động chống oxy hóa trong các loại tế bào khác nhau. Thành phần của bột yến mạch dạng keo bao gồm chủ yếu là tinh bột (65% –85%), protein (15% –20%), lipid (3% –11%), chất xơ (5%) và [beta] -glucans (5%)
Yến mạch cũng chứa hàm lượng lipid cao hơn nhiều so với bất kỳ loại ngũ cốc nào khác .
Các enzyme, chẳng hạn như lipase, lipoxygenase và superoxide dismutase, cũng được tìm thấy trong yến mạch. Bởi vì hạt yến mạch rất giàu lipid với hàm lượng cao trong các axit béo không bão hòa, chúng có chứa các hợp chất khác nhau có hoạt tính chống oxy hóa để bảo vệ lipid khỏi quá trình oxy hóa. Các chất chống oxy hóa quan trọng nhất trong bột yến mạch là các glyceryl esters của hydroxycinnamic, ferulic, p-coumaric, and caffeic acids.
Yến mạch cũng chứa flavonoid (cấu trúc phenolic) có khả năng hấp thụ mạnh tia cực tím (UVA) trong phạm vi 320 đến 370 nm. Cuối cùng, yến mạch chứa nhiều loại khoáng chất và vitamin. Trong số này, vitamin E, hiện diện chủ yếu dưới dạng α-tocopherol, có liên quan nhất về đặc tính lâm sàng của yến mạch.
Hình 1.2 Thành phần hóa học của Avena Rhealba
2.2 Công dụng chính
Bột yến mạch dạng keo thể hiện nhiều đặc tính lâm sàng về chức năng và da liễu như làm sạch, dưỡng ẩm, bảo vệ, làm dịu da, chống kích ứng và chống oxy hóa. Là một chất bảo vệ da, keo yến mạch được FDA quy định như một loại thuốc không kê đơn với nồng độ tối thiểu 0,007% nếu đơn lẻ, hoặc ở nồng độ tối thiểu 0,003% khi kết hợp với dầu khoáng.
Dưỡng ẩm cho da là một trong những yếu tố quan trọng nhất liên quan đến việc duy trì tính toàn vẹn của hàng rào lớp sừng. Việc giảm hàm lượng nước ở lớp sừng, do thay đổi đặc tính của lớp lipid kép hoặc do giảm “yếu tố giữ ẩm tự nhiên” (NMF) dẫn đến sự tích tụ của tế bào chết hoặc làm da mất nước và sự hình thành của các “vết nứt vi điểm”. Khi nghiêm trọng, da khô có thể dẫn đến tình trạng ngứa và viêm.
Khi bột yến mạch dạng keo được phân tán trong nước, nó lắng đọng các hạt mịn trên da và tạo thành một lớp màng chắn, rất quan trọng để bảo vệ khỏi các tác nhân gây kích ứng bên ngoài và để duy trì hiệu quả điều trị.
Màng keo liên kết và giữ chặt nước trong lớp sừng, do đó cải thiện tình trạng da khô. Bột yến mạch dạng keo cũng đã được chứng minh là hoạt động như một buffer system, giúp khôi phục độ pH bình thường của da. Tính chất keo của bột yến mạch giúp duy trì tính toàn vẹn của hàng rào bảo vệ da, ngăn ngừa mất nước và giảm ngứa. Yến mạch cũng có hoạt tính chống oxy hóa, hấp thụ tia cực tím và chống viêm hiệu quả. Ferulic acid và caffeic acid là một trong những chất chống oxy hóa mạnh nhất trong yến mạch, đây cũng là chất hấp thụ tia cực tím mạnh. Đồng thời, chất chống oxy hóa này có thể chống lại các tình trạng viêm khác nhau.
II. ĐỘ AN TOÀN CỦA YẾN MẠCH
Keo yến mạch đã được sử dụng rộng rãi và được các bác sĩ da liễu dùng cho bệnh nhân bị khô da và ngứa da do tuổi tác hoặc bệnh lý, như viêm da dị ứng. Và thành phần này cũng được FDA thông qua và cho phép sử dụng.
Năm 1953, đã có nghiên cứu chứng minh rằng bột yến mạch dạng keo giúp khôi phục độ pH của da đối với tình trạng độ pH tăng lên do sử dụng xà phòng (chất tẩy rửa mạnh) hoặc tính trạng viêm da dị ứng.
Cuối cùng, sau khi thông qua nhiều nghiên cứu đã kết luận được rằng chiết xuất từ bột yến mạch không có khả năng gây dị ứng.
Trong một nghiên cứu gần đây hơn, một chất làm mềm có chứa chiết xuất yến mạch đã giúp giảm lượng sử dụng corticosteroid ở trẻ sơ sinh bị viêm da dị ứng, đồng thời được dung nạp tốt và cải thiện tình trạng bệnh.
Tuy nhiên, một số trường hợp cá biệt hiếm gặp của viêm da tiếp xúc dị ứng hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng dị ứng đã được báo cáo liên quan đến các sản phẩm mỹ phẩm có chứa yến mạch [9]. Nhưng vẫn không có nguyên nhân nào hợp lý để giải thích cho tình trạng dị ứng trên bởi chiết xuất keo yến mạch mà mình có thể tìm thấy được, ngoại trừ nguyên nhân là do ô nhiễm nguồn nguyên liệu. Nên các bạn có làn da nhạy cảm vẫn có thể yên tâm sử dụng sản phẩm mỹ phẩm có chứa thành phần này vì trong sản xuất mỹ phẩm, các nguồn nguyên liệu sẽ được kiểm soát độ tinh khiết và nguồn gốc rõ ràng rồi nhé!
Để xác thực hơn thì cũng đã có một loạt các nghiên cứu kiểm tra độ an toàn của các sản phẩm chăm sóc cá nhân có chứa bột yến mạch (cream, cleanser, lotion) bằng cách đánh giá khả năng gây kích ứng/dị ứng của chúng trong thử nghiệm patch-test.
Kết quả nhận thấy rằng các sản phẩm chăm sóc cá nhân có chứa bột yến mạch có khả năng gây kích ứng cũng như khả năng gây dị ứng rất thấp (chỉ khoảng 1% có dấu hiệu nhẹ, và cũng nên lưu ý là khả năng kích ứng cũng có thể do các thành phần khác trong sản phẩm).
Đồng thời nghiên cứu trên da khô của 80 tình nguyện viên thì không phát hiện bất kỳ dấu hiệu kích ứng nào. Điều tuyệt vời hơn là giữ được độ ẩm trên da bền vững (ở các đối tượng có da khô kéo dài) đến 2 tuần sau khi ngừng sử dụng.
III. MỘI SỐ NGUYÊN CỨU LÂM SÀNG
1. Tình trạng Khô da, bong tróc
Nghiên cứu [11] được thực hiện trên 29 đối tượng, tất cả đều bị khô và ngứa da ở vùng chân. Kết quả được ghi nhận lại vào ngày 1, ngày 7 và ngày 14 trên các đối tượng sử dụng lotion (Aveeno Skin Relief 24-Hour Moisturizing Lotion) chứa chiết xuất keo yến mạch với tần suất 2 lần/ngày.
Hình 2. Tại các mốc thời gian đánh giá, các thông số cho thấy những cải thiện đáng kể về tình trạng nứt nẻ, đóng vảy, khô và thô ráp.
Trong đó, tình trạng đóng vảy được xem là cải thiện rõ rệt nhất. Đồng thời sự khô da cũng được khắc phục gần như là “triệt để”.
Để đánh giá cho yếu tố cải thiện vấn đề khô da, TEWL (Transepidermal water loss) sẽ được khảo sát. Kết quả được biểu diễn ở Hình 3.
Hình 3. Mức độ thoát hơi nước qua biểu bì (TEWL) giảm đáng kể sau 14 ngày sử dụng lotion có chứa chiết xuất keo yến mạch.
Hình 4. Cải thiện đáng kể tình trạng ngứa đã được quan sát trong quá trình điều trị 14 ngày. Hầu hết các tình trạng ngứa da mức độ vừa đã được giảm đáng kể. Kết quả là không còn ngứa hay chỉ ngứa nhẹ sau 14 ngày sử dụng lotion chứa chiết xuất keo yến mạch.
Cụ thể là ngày đầu tiên, khoảng 77% bệnh nhân có tình trạng ngứa vừa, 23% ngứa nhẹ. Sau 14 ngày, chỉ còn khoảng 10% đối tượng nghiên cứu vẫn còn ngứa mức độ vừa, 90% còn lại đã hết ngứa da hoặc ngứa nhẹ.
Hình 4. Ảnh chụp da có độ phân giải cao trước và sau 14 ngày sử dụng lotion chứa chiết xuất keo yến mạch.
Trong nghiên cứu [11], chiết xuất keo yến mạch biểu hiện hoạt động chống viêm và chống oxy hóa, bằng cách giảm sự hoạt động của chất xúc tiến NF-κB*, giảm tạo ROS* và giảm sản xuất IL-8*.
*NF-κB là một thụ thể quan trọng, thúc đẩy sự biểu hiện của yếu tố tiền viêm và oxy hóa trong quá trình viêm. Biểu hiện quá mức của cytokine IL-8 có liên quan đến triệu chứng ngứa và bệnh da nổi mẩn.
Cho những bạn nào chưa biết, hiện tượng ngứa sẽ dẫn đến gãi, do đó khi gãi gây ra tổn thương đối với hàng rào và tính toàn vẹn của da; điều này tạo ra một phản hồi vòng lặp và tăng giải phóng các chất trung gian gây viêm; từ đó sẽ làm tăng cảm giác ngứa. Các chế phẩm chứa keo yến mạch làm giảm viêm da và do đó có thể giúp ngăn chặn chu kỳ ngứa-gãi. Nên là khi ngứa da thì cũng hạn chế gãi để tránh gây viêm da nha!!!
2. Nguyên cứu trên da đầu/ da mụn trứng cá và bệnh chàm.
Nghiên cứu được thực hiện trên 528 đối tượng, được bôi kem dưỡng ẩm chứa chiết xuất keo yến mạch 1-2 lần/ngày trong 8 tuần.
Để đánh giá một cách khách quan thì trong số 528 đối tượng này, ngoài tình trạng khô da thì còn mắc các loại bệnh về da khác nhau cũng được tham gia vào nghiên cứu (Hình 5).
Trong đó có 46% bị viêm da dị ứng, 15% bị chàm, 9% bị bệnh chàm, 7% bị mụn trứng cá và 23% đối tượng còn lại bị các triệu chứng khác như khô da, ngứa,...
Hình 5. Tỷ lệ bệnh lý của các đối tượng tham gia vào nghiên cứu
Tất cả các bệnh nhân đều nhận thấy sự cải thiện các triệu chứng khô và ngứa của họ khi kết thúc điều trị.
Điểm tổng thể về độ khô da ban đầu của bệnh nhân là 2, sau 2 tuần giảm xuống 1,4, sau 4 tuần còn 0,9, sau 6 tuần còn 0,5 và còn 0,3 vào tuần cuối cùng - tuần thứ 8. Tương tự, ngứa đã giảm ở tất cả các bệnh nhân khi kết thúc nghiên cứu; tổng điểm đánh giá của các bệnh nhân được trình bày trong Hình 6.
Hình 6. Đánh giá tình trạng khô da và ngứa trên nhiều đối tượng mắc bệnh lý về da
Sử cải thiện mức độ khô và ngứa da rõ rệt trên các đối tượng nghiên cứu mắc nhiều bệnh lý về da như viêm da dị ứng, chàm, mụn trứng cá,... khi sử dụng kem dưỡng chứa chiết xuất keo yến mạch cho thấy loại chiết xuất này có thể sử dụng được cho nhiều loại da, kể cả da mắc bệnh lý hay nhạy cảm với mục đích giảm khô da và giảm ngứa.
3. Nghiên cứu duy trì hiệu quả cải thiện da sau khi ngưng sử dụng.
Một nghiên cứu lâm sàng kéo dài 5 tuần đã được thực hiện để chứng minh hiệu quả của kem dưỡng da từ bột yến mạch trong việc cải thiện độ ẩm và chức năng rào bảo vệ da của da khô vừa đến nặng.
Các đối tượng sử dụng kem dưỡng chứa bột yến mạch trên cẳng chân với tần suất 2 lần/ ngày trong 3 tuần (ngày 1-21).
Trong 2 tuần tiếp theo (Ngày 22-34), các đối tượng không sử dụng sản phẩm thử nghiệm hoặc bất kỳ loại kem dưỡng da nào khác.
Kết quả về chức năng rào cản và độ ẩm của da được ghi nhận lại.
Hình 7. Sự thay đổi về tình trạng khô da, độ ẩm bề mặt và TEWL trong quá trình khảo sát ở nghiên cứu
Kem dưỡng da chứa chiết xuất yến mạch có hiệu quả trong việc khôi phục đáng kể hàng rào bảo vệ da, cải thiện tình trạng khô da và dưỡng ẩm cho da. Đặc biệt là lợi ích cải thiện da tiếp tục kéo dài đến 13 ngày sau khi ngưng sử dụng.
Vào giai đoạn 2 tuần không sử dụng kem dưỡng, giá trị dưỡng ẩm vẫn cao hơn đáng kể so với ban đầu. Hơn nữa, các giá trị về mức độ khô da, độ ẩm và mức độ thoát hơi nước qua biểu bì có giảm xuống sau khi ngưng điều trị, tuy nhiên vẫn nhận thấy là có sự cải thiện so với ban đầu.
4. Ảnh hưởng đến acid-mantle
Lớp acid-mantle trong da của những người bị viêm da dị ứng hoặc da bị tổn thương bị phá vỡ, dẫn đến độ pH da tăng cao.
Các nghiên cứu trước đây đã chứng minh rằng keo yến mạch có thể làm giảm sự ảnh hưởng tiêu cực đối với lớp acid-mantle ở những người bị khô da hoặc những người bị bệnh viêm da dị ứng.
Những phát hiện này chứng minh được rằng protein trong yến mạch có thể đóng góp trực tiếp vào lợi ích của hàng rào bảo vệ da. Việc sử dụng keo yến mạch đối với kích ứng da và hàng rào bảo vệ da bị tổn thương đã được ghi nhận. Và cuối cùng, kem dưỡng da chứa keo yến mạch đã mang lại những cải thiện đáng kể về mặt lâm sàng đối với tình trạng khô da, làm tăng độ ẩm da, giảm TEWL và do đó cải thiện hàng rào bảo vệ da hiệu quả. Từ đó, cho thấy rằng keo yến mạch có thể phát huy tác dụng có lợi đối với hàng rào bảo vệ da thông qua việc tăng cường cân bằng nội môi của hàng rào bảo vệ da. Tóm lại, những kết quả này chứng minh rằng kem dưỡng da chứa bột yến mạch có thể khôi phục hàng rào bảo vệ da, do đó mang lại lợi ích cho làn da khô và bị tổn thương.
5. Ngăn chặn viêm da khi tiếp xúc với SLS
Nghiên cứu đánh giá hoạt động chống viêm của hai loại chiết xuất bột yến mạch bôi tại chỗ (Avena sativa và Avena Rhealba), sử dụng mô hình kích ứng Sodium Lauryl Sulfate (SLS).
Các chất chiết xuất được điều chế từ hai loài yến mạch Avena sativa và Avena rhealba. Sau đó được được phân tán trong petrolatum ointment (vehicle) ở các nồng độ khác nhau đối với Avena Rhealba (5,10, 20 và 30%) và cố định nồng độ cho Avena sativa.
Các dung dịch này được áp dụng theo phương pháp nghiên cứu mù đôi trên các vị trí khác nhau trên cơ thể với liều lượng 4 mg/cm2, băng kín trong 2 giờ. Một vị không được xử lý được sử dụng làm chuẩn (untreated). Sau đó, gỡ bỏ băng và làm sạch vùng da bằng gạc vô trùng.
Cuối cùng, 50µl dung dịch SLS 1% được áp dụng cho tất cả các vị trí thử nghiệm trong 24h rồi rửa lại với nước tinh khiết.
Khảo sát ảnh hưởng của Avena Rhealba ở nồng độ tăng dần (5, 10, 20 và 30%) và petrolatum ointment (vehicle) đối với thông số chromametric (sắc độ - là biểu hiện của tình trạng mẫn đỏ) (a) và lưu lượng máu qua da (b), trong mô hình kích ứng da do SLS, được biểu diễn ở Hình 8.
Hình 8. Sự khác biệt về chỉ số chromametric (a) và lưu lượng máu qua da (b) giữa các nồng độ khác nhau keo yến mạch.
Từ kết quả ở hình 8, dễ dàng nhận thấy ở những vùng da không được bôi chiết xuất keo yến mạch sẽ xảy ra tình trạng đỏ da và lưu lượng máu qua vùng da này cao hơn so với các vùng da được sử dụng.
Ngược lại, ở các vùng da được sử dụng keo yến mạch thì không bị kích ứng hay đỏ da, đồng thời không có sự khác biệt quá nhiều ảnh hưởng bởi nồng độ.
Trong nghiên cứu , đã chứng minh rằng chiết xuất bột yến mạch có thể điều chỉnh kích ứng da do SLS gây ra, xác nhận tác dụng ngăn ngừa của chúng đối với sự thay đổi của da chức năng hàng rào bảo vệ da và vi mạch máu dưới da (mặc dù thực tế là không có sự khác biệt về mặt thống kê về nồng độ sử dụng).
IV. GIẢI PHÁP MỘT SỐ THẮC MẮC VỀ YẾN MẠCH
1. Yến mạch có thể gây kích ứng không?
Yến mạch là thành phần giúp điều trị các vấn đề về viêm da dị ứng, khô da, bong tróc, hay thậm chí là bệnh chàm. Do đó khả năng gây kích ứng là rất thấp.
Tuy nhiên, như mình đã nói ở phần trên, vẫn đã có những trường hợp (rất rất ít) kích ứng với thành phần này hoặc không nhận thấy sự cải thiện khi sử dụng. Nguyên nhân của vấn đề này là nằm ở độ tinh khiết của nguồn nguyên liệu. Nguồn nguyên liệu không đảm bảo sẽ có nhiều tạp chất gây dị ứng đối với làn da của bạn. Do đó, khi lựa chọn sản phẩm chứa keo yến mạch nói riêng hay tất cả các sản phẩm chăm sóc da nói chung thì bạn nên lựa chọn những nhãn hàng uy tín nha!
***Một lưu ý nữa về vấn đề kích ứng, khi bạn đã chọn được một sản phẩm chứa keo yến mạch của nhãn hàng uy tín để sử dụng, bạn vẫn có nguy cơ bị kích ứng bởi các thành phần khác trong sản phẩm đó như là cồn khô, hương liệu hay các loại chiết xuất thực vật như cam, chanh, rễ cà rốt,... Nên là khi chọn mua bạn hãy xem xét thật kỹ bảng thành phần nhé!
2. Yến mạch chỉ dùng cho da nhạy cảm?
Như đã nhắc đến ở nghiên cứu , nghiên cứu được thực hiện trên rất nhiều loại da và mắc nhiều bệnh lý khác nhau đã nhận thấy được sự cải thiện. Do đó, các chế phẩm mỹ phẩm chứa keo yến mạch có thể dùng được cho rất nhiều loại da.
Nhưng công dụng chính và được xem là hiệu quả nhất của thành phần này là cải thiện độ khô da, bong tróc hay tình trạng viêm da dị ứng. Nó sẽ phù hợp hơn cho những người có da cực khô - da khô - da thường hoặc da bị viêm, kích ứng do dùng những sản phẩm không rõ nguồn gốc.
Còn đối với da dầu thì có thể dễ gây ra tình trạng “thừa ẩm”, gây bí bách làn da nên da dầu thì cần lưu ý khi sử dụng.
3. Yến mạch không thể dùng lâu dài?
Đối với những làn da khô “bẩm sinh” thì vẫn có thể dùng lâu dài bình thường. Còn đối với những tình trạng da mắc các bệnh lý hay bị kích ứng thì có thể sử dụng loại chiết xuất này cho đến khi tình trạng khỏi hẳn và tiếp tục duy trì sử dụng để cải thiện hàng rào bảo vệ da, ngăn chặn nguy cơ kích ứng quay trở lại.
Do đó, nhìn chung là chiết xuất này có thể sử dụng lâu dài để cải thiện làn da mà không có bất kỳ tác dụng phụ nào được mình tìm thấy.
4. Yến mạch nồng độ càng cao càng tốt?
Nồng độ tối thiểu trong việc sử dụng là 0,007% và tối đa không vượt quá 25%.
Tuy nhiên nồng độ là vấn đề mà các bạn nên lưu ý đến. Bởi bản chất của keo yến mạch là các hạt, nếu sử dụng với nồng độ cao thì có thể lắng đọng trên da, gây bít tắc cơ học ở lỗ chân lông, khiến da bí bách và có nguy cơ hình thành mụn. Do đó nên chọn sản phẩm với nồng độ vừa phải, phù hợp với tình trạng da của mình nhé!
----------------------------------------------------
Châu Khôi Pharma – Mang tới giá trị thực
Châu Khôi Pharma là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn làm đẹp và sức khoẻ. Lấy sức khỏe và lợi ích của khách hàng là trung tâm, Châu Khôi Pharma hoạt động trên tôn chỉ tạo ra giá trị thực – những sản phẩm chất lượng, giá trị bền vững, đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Hãy đến với chúng tôi:
Công ty TNHH Y Dược Châu Khôi
Trụ sở: Số 85 Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Hotline: 0904836693
Email: yduocchaukhoi@gmail.com
Wed: yduocchaukhoi.com
FB: www.facebook.com/chaukhoipharma